Vua Gia Long đã khai thác biển Đông như thế nào?

Gia Long là vị vua đầu tiên của vương triều Nguyễn – ngay khi lên ngôi, đã thể hiện một “tầm nhìn xa trộng rộng” đối với chủ quyền biển đảo – phần lãnh thổ không thể tách rời với đất liền của Việt Nam.

 

vua-gia-long
Sử sách chép rằng, trong 18 năm trị vì (1802 – 1820), hoàng đế Gia Long đã ba lần phái quân ra biển đảo để khẳng định chủ quyền của vương triều đối với các đảo và quần đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa.

Lập lại đội Hoàng Sa

Tháng 7 năm Quý hợi ( 1803), vua Gia Long đã cho lập lại đội Hoàng Sa. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 22, trang 2, năm Gia Long thứ 2 (1803) chép: “Tháng 7, Lấy Cai cơ Võ Văn Phú làm Thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa”.

Trước đó, theo hầu hết các tài liệu cổ có ghi chép về đội Hoàng Sa, hải đội này bắt đầu xuất hiện từ thời những chúa Nguyễn đầu tiên đặt chân đến xứ Đàng Trong. Theo TS Nguyễn Nhã, chúng ta có cơ sở để kết luận đội Hoàng Sa ra đời sớm nhất từ thời chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), hay chắc chắn là từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), bởi chính vào thời này, các thuyền của đội Hoàng Sa mới đi vào cửa Eo (Thuận An) và nộp sản vật tại chính dinh Phú Xuân. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đội Hoàng Sa vẫn tồn tại và hoạt động dưới nhiều triều đại khác nhau.

Chính sử triều Nguyễn ghi rằng, đội Hoàng Sa là một tổ chức khá đặc biệt trong thời kỳ các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Đó là một tổ chức vừa mang tính dân sự vừa mang tính quân sự, vừa tư nhân vừa Nhà nước; vừa có chức năng kinh tế vừa có chức năng quản lý nhà nước trên một vùng rộng lớn của Biển Đông thời ấy.

Hàng năm, đội Hoàng Sa bắt đầu đi biển từ tháng 3 âm lịch đến tháng 8 âm lịch thì về; thực hiện các nhiệm vụ được triều đình giao phó: thu lượm các sản vật từ các tàu đắm, các hải sản quý từ vùng biển phía bắc quần đảo Hoàng Sa, kiêm quản trông coi các đội khác cùng làm nhiệm vụ nhưng ở khu vực khác như đội Bắc Hải ở phía nam (tức quần đảo Trường Sa). Về sau, đội còn đảm trách thêm việc đi xem xét, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ vùng quần đảo Hoàng Sa; hay do thám, canh giữ ngoài biển, trình báo về các bọn cướp biển (từ năm Gia Long)…

“Hoạt động của đội Hoàng Sa tới các đảo phía bắc gần phủ Liêm Châu, Hải Nam (Trung Quốc), phía nam tiếp tới Côn Lôn, Hà Tiên. Dù chính đội Hoàng Sa không đủ lực lượng tự mình đi khắp nơi, song lại kiêm quản các đội khác nên phạm vi hoạt động của các đội rất rộng, khắp các đảo trên biển Đông chạy dài ngoài khơi dọc các tỉnh miền Trung, từ phía tây nam đảo Hải Nam xuống tới vùng Trường Sa hiện nay. Đội Hoàng Sa sử dụng một loại thuyền buồm nhẹ và nhanh nên dễ dàng né tránh các đá san hô cũng như dễ dàng cập được vào bờ các đảo san hô như ở Hoàng Sa và cũng thích hợp với hoàn cảnh của dân chài vùng biển Sa Kỳ, Cù lao Ré”, TS Nguyễn Nhã cho biết.

Lần đầu tiên xem xét và đo đạc thủy trình ở Hoàng Sa

Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 50, trang 6, năm Gia Long thứ 14 (1815) chép: “Tháng 2, sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển”.

Năm 1816, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 52, ghi rằng vua Gia Long đã bắt đầu cho thủy binh đi công tác Hoàng Sa cùng với đội dân binh ở Quảng Ngãi, để xem xét và đo đạc thủy trình. Dân phu cùng đi chính là những dân phu giỏi hải trình đi Hoàng Sa. Và nguyên nhân vua Gia Long bắt đầu cho thuỷ binh đi Hoàng Sa vì có các sĩ quan người Phương Tây trong thời chiến tranh với Tây Sơn rất quan tâm đến vấn đề quản lý biển Đông.

Những người Pháp cộng tác với vua Gia Long, gồm: Jean Baptiste Chaigneau, Giám mục Taberd đã viết rất rõ trong các tư liệu cổ phương Tây, khẳng định hoàng đế Gia Long đã chính thức xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa.

Cụ thể, Chaigneau đã viết trong hồi ký Le mémoire sur la Cochichine: “Xứ Cochinchine, mà Quốc vương ngày nay đã xưng đế hiệu, gồm có xứ Đàng Trong, Bắc Hà (Tonquin)… vài đảo gần bờ biển, có dân cư, và quần đảo Paracels, gồm có nhiều đảo và mỏm đá thiếu dân. Vào năm 1816, đương kim hoàng đế đã chiếm hữu quần đảo ấy”.

Giám mục Taberd cũng viết trong cuốn Univers, histoire et description de tous les peuples, de leurs religions, moeurs et coutume: “Chúng tôi không đi vào việc kê khai những hòn đảo chính yếu của xứ Cochinchine. Chúng tôi chỉ xin lưu ý rằng từ hơn 34 năm nay, quần đảo Paracels mà người Việt gọi là Cát Vàng (Hoàng Sa), gồm rất nhiều hòn đảo chằng chịt với nhau, lởm chởm những đá nhô lên giữa những bãi cát, làm cho những kẻ đi biển rất e ngại – đã được chiếm cứ bởi người Việt xứ Đàng Trong…

… Chúng tôi không rõ họ có thiết lập một cơ sở nào tại đó không, nhưng có điều chúng tôi biết chắc là Hoàng đế Gia Long đã chủ tâm thêm cái đóa hoa kỳ lạ đó vào vương miện của Ngài, vì vậy mà Ngài xét thấy đúng lúc phải thân chinh vượt biển để tiếp thâu quần đảo Hoàng Sa và chính là vào năm 1816, Ngài đã long trọng treo tại đó lá cờ của xứ Đàng Trong”.

Chưa hết, Gutzlaff năm 1849 đã cho biết, chính quyền Việt Nam thời Gia Long đã thiết lập một trại quân nhỏ để thu thuế và bảo trợ người đánh cá Việt Nam.

Có thể nói, chính hoạt động lần đầu tiên xem xét và đo đạc thủy trình ở Hoàng Sa của thủy quân dưới triều Gia Long là dấu mốc rất quan trọng về việc tái xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo này. Sang thời nhà Nguyễn, nhất là vua Minh Mạng, thủy quân hàng năm đều đặn ra Hoàng Sa, Trường Sa đi vãng thám, đo đạc thủy trình, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền và thực hiện các hoạt động khác…

1. Trước khi lên ngôi hoàng đế 1802, Nguyễn Ánh cũng đã được anh em Dayot giúp đo đạc hải trình ở biển Đông trong đó có vùng quần đảo Trường Sa hay Hoàng Sa nói chung.

2. Phạm Quang Ảnh hiện được thờ tại từ đường tộc họ Phạm (Quang) tại thôn Đông, xã Lý Vĩnh, xưa là phường hay hộ An Vĩnh tại huyện đảo Lý Sơn (Cù Lao Ré).


‘Voi lửa’ – cỗ ‘xe tăng’ khủng khiếp của Hoàng đế Quang Trung

Từ thời Hai Bà Trưng cho đến thời của Quang Trung – Nguyễn Huệ, một cuộc cách mạng đã diễn ra trong nghệ thuật sử dụng voi chiến của người Việt.

 

Uy lực của những chiến binh khổng lồ

1-8 hao khi tay son 3

Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, voi chiến luôn là đơn vị chiến đấu đặc biệt được các triều đại sử dụng trong chiến trận. Những con vật khổng lồ này vừa là phương tiện vận chuyển quân nhu, lương thực trong các cuộc hành quân, vừa là một chiến binh đầy dũng mãnh trên chiến trận.

Được điều khiển bởi nài voi, voi chiến có thể trực tiếp tiêu diệt địch bằng cách dùng ngà, vòi, chân làm vũ khí. Những người lính trên mình voi có lợi thế về độ cao, tầm quan sát tốt, tỏ ra rất lợi hại với các mũi giáo dài và các loại vũ khí tầm xa như cung, nỏ. Đặc biệt, voi còn là khắc tinh của kỵ binh bởi loài ngựa có nỗi sợ hãi bản năng với chúng.

Trong các cuộc đụng độ với những triều đại phương Bắc, voi chiến của người Việt đã nhiều lần chứng tỏ ưu thế của mình, khiến đối phương khiếp sợ.

Kỹ thuật sử dụng voi chiến đã xuất hiện tại Việt Nam từ rất sớm. Nhiều nguồn sử liệu ghi nhận hình ảnh Hai Bà Trưng sử dụng voi chiến để đối đầu với quân Hán trong cuộc khởi nghĩa năm 40 sau công nguyên. Hình ảnh tương tự cũng được ghi nhận với Bà Triệu trong cuộc khởi nghĩa chống quân Ngô. Có khả năng, voi chiến đã được sử dụng từ thời Hùng Vương  dựng nước.

Vào thời kỳ sau này, voi chiến đã lập chiến công trong trận đánh thành Ung Châu ở nước Tống (1075) của quân đội Lý Thường Kiệt. Sử Trung Quốc thuật lại, khi tướng Quách Quỳ của nhà Tống tiến tới huyện Quang Lang thì quân tiên phong nhà Lý do Thân Cảnh Phúc chỉ huy đã đem voi cản đường khiến quân Tống không thể tiến được. Người Tống vừa sợ hãi vừa nể phục voi chiến nước Việt. Sau chiến thắng trước quân Tống, trong một cử chị ngoại giao, nhà Lý đã dâng tặng vua Tống năm thớt voi để đổi lại việc quân Tống trả đất Quảng Nguyên cho ta.

Vào thời nhà Trần, voi chiến đã tham gia đắc lực vào cuộc kháng chiến chống quân Nguyên. Trong cuộc kháng chiến này, tướng Dã Tượng (tên do Trần Hưng Đạo đặt, có nghĩa là voi rừng) là người có tài thuần phục và chỉ huy đội voi chiến đã lập nhiều chiến công và được sử sách ghi danh như một dũng tướng của nhà Trần.

Trong cuộc khởi nghĩa chống quân Minh của Lê Lợi, mỗi đội quân khởi nghĩa thường trang bị 5 – 7 thớt voi, khiến cho quân Minh hết sức lo sợ. Vào thời kỳ hùng mạnh, số lượng voi của nghĩa quân lên đến cả nghìn con. Bình Ngô đại cáo viết “Gươm mài đá đá núi cũng mòn, voi uống nước nước sông cũng cạn” là cũng dựa vào thực tế này.

Voi chiến tiếp tục được sử dụng phổ biến vào thời Trịnh, Nguyễn phân tranh, nhưng chỉ đạt được sự đột phá mạnh mẽ về cả chất và lượng vào thời Tây Sơn.

‘Voi lửa’ của vua Quang Trung

Vào các thời kỳ trước, voi chiến thường được sử dụng làm lực lượng đột kích với số lượng tương đối hạn chế cho mỗi mũi tiến công. Phải đến thời Tây Sơn, voi chiến mới được sử dụng tập trung với số lượng lớn.

Đặc biệt, Nguyễn Huệ đã biến voi thành những chiếc “xe tăng”, mang theo cả đại bác và hỏa pháo trên lưng. Sử nhà Thanh viết: “Quân giặc đều dùng voi chở đại bác xông ra trận” và “Trên lưng mỗi con voi có ba, bốn tên giặc chít khăn đỏ, ngồi ném tung hỏa cầu lưu hoàng ra khắp nơi, đốt cháy cả người nữa”.

Voi vốn là loài sợ lửa và tiếng nổ lớn, việc huấn luyện được những con vọi chịu đựng được môi trường chiến đầu khắc nghiệt như vậy thể hiện trình độ quân sự rất đáng nể của các nài voi và tướng lĩnh Tây Sơn.

Với những trang bị như vậy, voi chiến của Nguyễn Huệ đã biến thành một lực lượng hỏa lực cơ động có sức mạnh đột kích đáng sợ. Đến lúc này, đội quân voi của Nguyễn Huệ đã hội đủ cả 3 yếu tố chiến thuật: cơ động, đột kích và hỏa lực. Đây thực sự là một cuộc cách mạng so với các thời kỳ trước đó.

Trận đánh nổi tiếng của đội voi Tây Sơn là trận Ngọc Hồi – Đống Đa (1789). Trong trận đánh này, 100 voi chiến do nữ tướng Đô đốc Bùi Thị Xuân chỉ huy đã đánh tan tác đội kỵ binh đông đảo của quân Thanh, góp phần làm nên chiến thắng vang dội trong lịch sử Việt Nam.

Bên cạnh việc trang bị hỏa lực cho voi, một yếu tố khác cũng làm tăng cường đáng kể sức mạnh của đội voi chiến Tây Sơn là sự ra đời của những chiến hạm khổng lồ Định Quốc. Với khả năng chở được voi, những chiến hạm này khiến cuộc hành quân xuyên Việt của đội voi diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn rất nhiều bằng đường biển.

Khi nhà Nguyễn kiểm soát toàn bộ nước Việt, lực lượng voi chiến tiếp tục được duy trì trong quân đội. Tuy nhiên, kể từ đây voi chiến dần trở nên lạc hậu trước sức mạnh khủng khiếp của hỏa lực phương Tây. Mất vai trò trên chiến trận, chúng chỉ còn là những con vật mang tính biểu tượng, được sử dụng trong các nghi lễ hay mua vui cho quan lại và dân chúng trong những cuộc chiến với hổ tại Hổ Quyền. Thời kỳ huy hoàng của những chiến binh khổng lồ đã kết thúc.


Không quân Việt Nam và cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Trường Sa năm 1988 !

Sau ngày 14/3/1988, các tàu Trung Quốc âm mưu sử dụng lực lượng lớn để mở rộng chiếm đóng các đảo và bãi đá ở Trường Sa nhưng sự xuất hiện các máy bay Su-22 của ta đã khiến tương quan thay đổi buộc họ phải từ bỏ ý định.

X11799876-5

Vươn cánh ra Trường Sa

Cuối năm 1987, tình hình Biển Đông phức tạp, Trung Quốc rục rịch điều tàu xuống khu vực biển Trường Sa. Đến đầu năm 1988, các tàu Trung Quốc chiếm một số đảo và bãi đá. Lực lượng Hải quân Việt Nam đã nhanh chóng huy động tối đa lực lượng ra để bảo vệ với chiến dịch mang tên Chủ quyền 88 (CQ-88).

Ngày 14/3/1988, hải quân hai nước đã đụng độ với nhau ở bãi Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao trong trận hải chiến Trường Sa. Trận chiến làm 2 tàu Việt Nam bị chìm, 1 tàu phải ủi bãi. Việt Nam mất Gạc Ma và Len Đao, chỉ giữ được đảo Cô Lin. Tuy nhiên, đó chưa phải là kết thúc sự việc. Sau trận chiến, các tàu Trung Quốc vẫn còn đó và có thể chiếm đóng thêm các đảo, bãi đá nếu ta sơ hở.

Mặc dù trong trận hải chiến, các máy bay của ta không xuất hiện nhưng ít người biết từ trước đó mấy tháng, Không quân Việt Nam đã có sự chuẩn bị cho tác chiến ở Trường Sa.

Theo Lịch sử dẫn đường Không quân, ngày 6/11/1987, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra mệnh lệnh bảo vệ quần đảo Trường Sa. Một ngày sau, Tư lệnh Không quân ra lệnh cho Sư đoàn 372 đưa một phi đội Su-22M của Trung đoàn 923 từ Thọ Xuân vào Phan Rang sẵn sàng chiến đấu.

Ngày 14/11/1987, phi đội Su-22M nói trên đã có mặt tại Phan Rang và bắt đầu huấn luyện sẵn sàng chiến đấu tại sân bay này. Cần nói thêm là vào thời điểm đó, việc đưa máy bay vươn tới Trường Sa còn gặp khó khăn lớn ở hệ thống dẫn đường. Theo Lịch sử trung đoàn Không quân 923, các radar dẫn đường không quân của ta lúc đó chỉ có bán kính hoạt động 300 km. Trong khi đó, khoảng cách từ Phan Rang ra Trường Sa vượt quá tầm hoạt động của radar.

Bay trên biển cũng phức tạp hơn rất nhiều so với bay trên đất liền vì nhiều khi bầu trời và mặt biển rất khó phân biệt, có thể nhầm lẫn bất cứ lúc nào.

Công tác huấn luyện cho các phi công Su-22 bay biển đã được Trung đoàn 923 thực hiện theo cách từ từ từng bước. Ban đầu phi công bay ra ngoài biển cách sân bay chừng 100 km và bay dọc theo bờ biển với quãng đường bằng đường bay từ Phan Rang ra Trường Sa. Khoảng cách cứ dần dần tăng lên.

Sau một thời gian huấn luyện, đến 10/3/1988, phi công Vũ Xuân Cương cùng một phi công Liên Xô đã thực hiện được chuyến bay đầu tiên ra Trường Sa. Chỉ 4 ngày sau, trận hải chiến Trường Sa diễn ra. Có lẽ do còn nhiều vấn đề nan giải về kỹ thuật bay và dẫn đường mà không quân Việt Nam trong ngày 14/3 đã không thể hỗ trợ cho lực lượng Hải quân.

Tuy nhiên, theo Wikipedia: Một tháng sau trận hải chiến, quân ta cử một phân đội tàu bí mật ra cắm cờ lên bãi đá Len Đao. Trung Quốc phát hiện và lập tức cử 7 tàu chiến đến uy hiếp định lặp lại kịch bản ngày 14/3 nhưng lần này trên bầu trời xuất hiện 6 chiếc máy bay Su-22 Việt Nam khiến các tàu Trung Quốc phải tản ra và ta thu hồi lại được bãi Len Đao.

Tăng cường lực lượng và diễn tập quy mô

Trên Biển Đông sau trận hải chiến, lực lượng tàu Trung Quốc vẫn còn hiện diện gây áp lực. Do vậy, phía ta cũng tăng cường thêm các máy bay vào Phan Rang. Ngày 24/4/1988, có thêm 3 chiếc Su-22M từ Thọ Xuân bay vào Phan Rang. Đến ngày 10/6/1988, Không quân lại điều vào Phan Rang thêm 10 chiếc Su-22M nữa. Như vậy đến lúc này, số Su-22M ở Phan Rang đã lên tới hơn 20 chiếc, sẵn sàng chiến đấu chi viện cho Trường Sa nếu Trung Quốc tiếp tục phiêu lưu quân sự.

Cùng với việc điều thêm máy bay, Không quân ta cũng tiến một bước quan trọng trong tác chiến ở Trường Sa. Trong hai ngày 24 và 28/6/1988, 2 biên đội Su-22M (mỗi biên đội 2 chiếc) đã lần lượt bay nhiệm vụ ra đảo Trường Sa và đảo An Bang. Điều đáng nói, các phi công ta đã bay được độc lập, không cần phi công Liên Xô bay kèm.

Với việc lực lượng Không quân Việt Nam vươn được tới Trường Sa, âm mưu xâm lấn của Trung Quốc đã bị chặn đứng. Bởi vì ở thời điểm đó, Không quân Trung Quốc cũng còn lạc hậu.

Theo như lời viên tướng Raymond Chan kể thì lúc đó các máy bay Trung Quốc nếu cất cánh từ sân bay gần nhất cũng chỉ có thể hoạt động được từ 4 đến 5 phút ở Trường Sa là phải quay về nếu không sẽ hết dầu. Và ông này đã cho biết năm 1988, Hải quân Trung Quốc sợ nhất là gặp Su-22 của Việt Nam.
Tuy vây, trong hai năm 1988 và 1989, Không quân Việt Nam tiếp tục bồi thêm 2 đòn nữa để dập tắt “giấc mơ” của Trung Quốc bằng 2 cuộc diễn tập trên biển.

Vào cuối tháng 10/1988, lực lượng không quân của ta tổ chức một cuộc tập trận với tình huống giả định là bảo vệ Trường Sa. Đợt tập trận này ta huy động nhiều loại máy bay với các nhiệm vụ cụ thể là: Ka-28 có nhiệm vụ tìm kiếm, xác định mục tiêu trên biển, Su-22M tiến công đội tàu hải quân của đối phương, Mig-21 yểm hộ tàu ta trên đường hành quân, Mi-8 làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển và An-26 vận tải tiếp tế cho bộ đội trên đảo.

Trong số này, các máy bay Su-22M là hiện đại nhất lúc đó và là mũi nhọn chủ lực trong tác chiến không đối hải của Không quân ta. Lực lượng Su-22M tham gia diễn tập là Phi đội 1 của Trung đoàn 923. Các biên đội đều thực hiện đúng theo phương án tác chiến và hiệp đồng chặt chẽ với Hải quân. Các phi công đều nhanh chóng phát hiện và công kích chính xác các mục tiêu giả định.

Sang năm 1989, từ ngày 21 đến 27/5, quân đội Việt Nam lại tổ chức một cuộc diễn tập lớn với sự hiệp đồng của cả Không quân, Hải quân và các lực lượng Quân khu 7 với đề mục là bảo vệ khu vực dầu khí và thềm lục địa phía Nam.

Đây là một cuộc diễn tập quân sự rất lớn. Trong đó, lực lượng Không quân tham gia gồm toàn bộ Sư đoàn 370 cùng Trung đoàn 918 và một phần lực lượng của Trung đoàn 923 ở Phan Rang.

Các máy bay được sử dụng gồm Mig-21Bis, Su-22M, Su-22M4, An-26, Mi-8. Khác với cuộc diễn tập năm 1988, lần này, có đặt cả tình huống giả định lực lượng địch có sử dụng máy bay và các Mig-21 của ta xuất kích đánh chặn đội hình máy bay của chúng. Theo tài liệu Lịch sử Trung đoàn Không quân 923 thì chính các máy bay Su-22 của đơn vị đã đóng vai “quân xanh” để cho các Mig-21 tập luyện.

Như vậy có thể nói việc Không quân Việt Nam vượt qua khó khăn để vươn tới Trường Sa và chứng tỏ được khả năng tác chiến biển qua các cuộc tập trận sau đó đã làm thay đổi hẳn tương quan giữa ta và Trung Quốc theo hướng có lợi cho ta. Do vậy, có thể nói rằng sự xuất hiện của Không quân Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn và làm thất bại âm mưu lấn chiếm của Trung Quốc ở Trường Sa.